Âm nhạc là một thế giới thú vị mà đa số mọi người đều cảm thấy bị thu hút hoặc muốn đắm chìm trong nó. Âm nhạc giúp ta thư giãn, chữa lành tâm hồn. Mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời, khi vui hay khi buồn ta đều tìm đến âm nhạc. Khi chúng ta thực sự muốn tìm hiểu nó, muốn tự tạo những giai điệu của chính mình, âm nhạc sẽ giúp ta khám phá bản thân. Không chỉ là một môn giải trí đơn thuần, để có những bản nhạc ta nghe hằng ngày, những tác phẩm âm nhạc để đời, người học và làm nhạc phải trải qua một quá trình học tập và làm việc chăm chỉ. Hệ thống âm nhạc cũng có những nguyên tắc riêng và để bắt đầu chuyến hành trình đến với âm nhạc ta cần làm quen với “ bảng chữ cái” và cách “đánh vần”. Chúng được gọi là lý thuyết âm nhạc hoặc nhạc lý.
1. Nhạc lý là gì?
Giống như một đứa trẻ bắt đầu học chữ, người học nhạc cũng có những bộ “alphabet” của riêng mình, thay vì A B C D E F G, bạn sẽ tập làm quen với Đô Rê Mi Fa Sol La Si. Những dòng kẽ trên giấy được thay bằng khuông nhạc có khoá nhạc. Để sắp xếp những chữ cái thành một từ, một câu hoàn chỉnh và có nghĩa chúng ta phải nắm được những nguyên tắc xếp chữ và đánh vần. Trong âm nhạc, những kiến thức đó gọi là nhạc lý cơ bản.
2. Những kiến thức nhạc lý cơ bản.
2.1. Nốt nhạc.
Giống như bảng chữ cái alphabet, nốt nhạc là ngôn ngữ riêng giành cho người học nhạc trên toàn thế giới hiện nay.
Theo âm nhạc phương Tây, có 7 tên gọi nốt nhạc:
Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si
Kí hiệu tương ứng lần lượt: C, D, E, F, G, A, B
Mỗi nốt nhạc có cao độ riêng biệt.
Ở các nước á Đông có hệ thống âm nhạc riêng, nhưng hiện nay hệ thống âm nhạc phương Tây được sử dụng rộng rãi và phổ biến, nó là quy tắc chung thống nhất trên toàn thế giới.
2.1.1. Cao độ.
Cao độ là độ cao thấp của nốt nhạc. Mỗi nốt nhạc vang lên đều có tần số riêng. Ví dụ thỉnh thoảng bạn sẽ nghe một người chơi guitar nói họ đang chỉnh dây có nghĩa là họ đang chỉnh cho sợi dây phát ra âm thanh đúng tần số của các nốt nhạc đó. Hoặc có ai đó nói bạn hát lạc tông có nghĩa là bạn đang hát cao hơn hoặc thấp hơn cao độ của giai điệu.
2.1.2. Trường độ.
Trường độ là độ dài các nốt nhạc được vang lên, được xác định bằng các hình dạng nốt nhạc. Mỗi loại sẽ có độ dài khác nhau. Ví dụ: nốt tròn 4 phách, nốt trắng 2 phách, nốt đen 1 phách, nốt móc đơn ½ phách, nốt móc kép ¼ phách ( phách là đơn vị của trường độ)
Chúng ta thường nghe từ “nhịp”, hát đúng nhịp hoặc sai nhịp. Vậy nhịp là gì?
Các âm thanh trong âm nhạc liên kết với nhau về mặt thời gian. Sự tiếp nối các âm thanh với những phách bằng nhau về thời gian tạo nên một sự chuyển động nhịp nhàng người ta gọi đó là nhịp ( nhịp đập, tiết nhịp, beat).
2.2. Điệu thức (scales/ gamme) và giọng.
Khi nghe một giai điệu, một bản nhạc ta sẽ cảm nhận được các âm thanh được liên kết với nhau bằng một mối tương quan nhất định ( sợi dây vô hình?). Giống như một bậc thang, ta đi lên hoặc đi xuống đều bậc có thứ tự xác định. Điệu thức ( thang âm) chính là cách sắp xếp các âm thanh đó. Hai loại điệu thức thường gặp là điệu thức trưởng và điệu thức thứ. Giai điệu của điệu thức trưởng thường sẽ tươi sáng còn giai điệu của điệu thức thứ thường êm đềm, trầm lắng. Mỗi điệu thức gồm 7 “bậc thang” và mỗi bậc đều có nhiệm vụ riêng theo thứ tự:
Dựa vào cấu trúc của điệu thức, chọn một đột cao xác định ta gọi là giọng. Ví dụ: chọn nốt Đô làm âm chủ, theo điệu thức trưởng ta có giọng Đô trưởng.
2.3. Hoá biểu, dấu hoá.
Dấu hoá dùng để nâng cao hay hạ thấp âm thanh cơ bản của một nốt nhạc.
Có 5 loại dấu hoá:
Dấu thăng #
Dấu thăng kép x
Dấu giáng b
Dấu giáng kép bb
Dấu bình
Có 2 cách đặt dấu hoá: dấu hoá theo khoá và dấu hoá bất thường. Dựa vào bộ hoá biểu (dấu hoá viết theo khoá) ta sẽ xác định được giọng chủ của bài hát, bản nhạc.
2.4. Quãng.
Quãng là khoảng cách giữa 2 nốt nhạc.
Ví dụ: Đô Mi ( Đô Rê Mi) là quãng 3. Nốt Đô là gốc, nốt Mi là ngọn.
2.5. Giai điệu.
Các nốt nhạc vang lên lần lượt, theo thứ tự hàng ngang sẽ tạo nên giai điệu. Mỗi bản nhạc sẽ có cách sắp xếp các nốt nhạc và tiết tấu khác nhau tạo ra những giai điệu đặc trưng cho bản nhạc đó.
2.6. Hoà âm.
Hai hoặc nhiều nốt nhạc vang lên cùng lúc, theo một quy tắc nhất định được gọi là hoà âm. Trong thanh nhạc, chúng ta thường nghe 1 giai điệu chính và một số đoạn có hát bè ( hát chồng lên giai điệu chính nhưng ở cao độ khác) đó là hoà âm. Hoặc trong một band nhạc, để các nhạc cụ vang lên cùng lúc với nhau, tạo thành một bản nhạc hoàn chỉnh, thống nhất thì tất cả phải tuân theo nguyên tắc hoà âm.
Lời kết:
Tất cả mọi vận động trên thế giới đều xảy ra theo quy tắc, trong âm nhạc cũng vậy, để thực sự hiểu rõ và “vận hành”, chơi với âm nhạc và sáng tạo ra những giai điệu của chính mình, người học nhạc cần nắm vững kiến thức nhạc lý cơ bản.
Tài liệu tham khảo
Music Theory. (n.d.). musictheory.net. April 16, 2022, from https://www.musictheory.net
Lý thuyết âm nhạc cơ bản, V.A Va-khra-me-ep, NXB Âm Nhạc , 2001
Comments