top of page
Đăng ký ngay

Đã đăng ký thành công!

lydiamusicacademy

Lộ trình học thanh nhạc cho người mới bắt đầu

Đã cập nhật: 13 thg 7

Bạn đang cần biết lộ trình học Thanh Nhạc cho người mới bắt đầu? Bạn có đam mê ca hát và muốn được học bài bản nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu? Đừng quá lo lắng, Lydia Music sẽ giúp bạn tìm câu trả lời trong bài viết bên dưới.


Lộ trình học thanh nhạc học hát
Lộ trình học thanh nhạc từ A - Z

Để có thể hát vừa hay vừa bảo vệ được giọng, chúng ta cần có một lộ trình cụ thể và hiệu quả. Lydia Music đã tổng hợp lộ trình học thanh nhạc thành 4 giai đoạn chính. Cùng mình tìm hiểu từng giai đoạn là gì và tầm quan trọng của từng giai đoạn nhé!


#1 Giai đoạn I của Lộ trình học thanh nhạc: LÀM QUEN

Ở giai đoạn đầu khi học thanh nhạc, chúng ta cần phải làm quen với cơ thể của mình, cụ thể hơn là làm quen với "hơi thở". Xe không thể chạy khi không có xăng thì hơi thở cũng là nhiên liệu không thể thiếu khi hát. Việc làm chủ hơi thở sẽ giúp câu hát tròn vành rõ chữ, không bị đứt đoạn cũng như thể hiện được các sắc thái khác nhau trong âm nhạc. Vậy thì trong giai đoạn này, chúng ta phải làm gì để làm quen được với việc sử dụng nguồn nhiên liệu này?


Câu trả lời là luyện các loại bài tập hơi thở.


Bài tập hơi thở là những bài tập để kiểm soát hoạt động của các nhóm cơ liên quan tới việc lấy hơigiữ hơi khi hát.


Theo cơ chế tự nhiên, bình thường cơ thể ta hít vào 1 lượng hơi ít, vừa đủ để hít thở và nói chuyện. Khi hát, ta cần một lượng hơi dài và sâu hơn để âm thanh phát ra tròn và đẹp. Cụm từ “Hơi bụng” thường được dụng để mô tả hành động này. Vậy thực chất lấy hơi bụng là gì?


Trong cơ thể người, phổi là cơ quan duy nhất tiếp nhận không khí từ ngoài vào sau đó trao đổi cho các cơ quan khác. Kích thước của phổi thay đổi tùy thuộc vào cách bạn huy động nó. Cơ thể chúng ta có một nhóm các cơ đặc biệt để giúp cho phổi gia tăng kích thước. Một trong những cơ ảnh hưởng chính đến quá trình hô hấp đó là cơ hoành. Cơ hoành được tìm thấy ở ngay phía dưới phổi và có hình dạng giống mái vòm. Khi cơ này co lại (bó chặt hơn), nó phẳng hơn và làm cho phổi gia tăng kích thước. Trong quá trình vận động, cơ hoành phẳng hơn so với khi nghỉ ngơi. Điều này giúp cho phổi nở lớn hơn và nhiều không khí đi vào hơn. Khi ta lấy một lượng hơi đầy và sâu, cơ hoành căng ra, phần phía dưới của phổi được mở rộng, khi đó bụng có cảm giác căng ra nên dẫn đến lầm tưởng làn hơi chạy xuống bụng. Vì vậy “hơi bụng” có nghĩa là lấy hơi sâu bằng cơ hoành.


Chuyển động của cơ hoành - học hát
Chuyển động của cơ hoành (Nguồn: G. David Brown)

Sau lấy hơi, việc giữ hơi điều tiết hơi cũng quan trọng không kém. Để thực hiện một câu hát dài, thể hiện cảm xúc bài hát bằng cách nhấn nhá, to nhỏ ta phải kiểm soát được làn hơi của mình. Việc này cần nhiều thời gian tập luyện để các nhóm cơ có thể hoạt động được theo ý muốn.


Dù được gọi là giai đoạn một nhưng việc ‘làm quen’ với hơi thở là việc cần duy trì mỗi ngày. Thành thạo các bài tập thở là một trong những điều kiện giúp bạn mở rộng âm cử và hát đúng cao độ. Vì vậy, để trở thành một người hát tốt thì bạn cần phải kiên trì và luyện tập hàng ngày nhé.


#2 Giai đoạn II của Lộ trình học thanh nhạc: KIỂM SOÁT

Kiểm soát giọng hát là một trong những giai đoạn cơ bản nhất của ca hát, bất kì người học hát bài bản nào cũng cần đi qua. Sau khi đã có nhiên liệu bằng cách lấy hơi sâu và điều khiển làn hơi, ta bắt đầu học cách tạo ra âm thanh dày và đẹp. Vậy việc kiểm soát giọng hiệu quả nhất bằng cách nào?


Câu trả lời là qua các cơ chế phát âmcộng hưởng.


Bộ phận tạo ra âm thanh là thanh quản. Âm thanh được thực hiện khi luồng không khí đi qua khe thanh môn tạo ra sự rung sóng niêm mạc, áp lực không khí ở hạ thanh môn tạo ra cường độ cho tiếng nói, nhờ có những thần kinh điều khiển các cơ làm thay đổi tần số, âm sắc tiếng nói. Tiếng nói muốn được hoàn chỉnh phải đi qua các bộ phận như họng, mũi xoang, miệng, lưỡi, răng, môi, khi đó tiếng nói mới có những âm sắc đặc trưng cho từng cá nhân. Khi dây thanh bị thương tổn, sẽ gây khàn tiếng hoặc có khi mất hẳn tiếng.


Những nghiên cứu cho thấy, âm thanh nguyên bản từ thanh đới đã có độ mạnh và âm sắc riêng, qua các bộ cộng hưởng (họng, khoang miệng, khoang mũi, khoang đầu) nó được bồi thêm nhiều tầng số ở nhiều cường độ khác nhau tạo ra âm sắc hoàn chỉnh. Mỗi bộ cộng hưởng đều là là một bộ rung. Cột hơi cũng là một bộ cộng hưởng. Hình dạng của các khoang cộng minh không những phức tạp mà còn thay đổi liên tục nên tạo ra các âm thanh khác nhau (khoang mở đúng, khoang mở hẹp...).


Bộ cộng minh - học thanh nhạc
Bộ cộng minh (Nguồn: David Brown)

Để đạt được chất lượng âm thanh tốt ta cần kiểm soát được cả 2 cơ chế phát âmcộng hưởng. Vì vậy việc tập luyện song song phát âm và đạt được cộng hưởng là điều cần thiết và không thể tách rời. Việc này cần rất nhiều thời gian để nắm được cơ chế, kiểm soát được các nhóm cơ hoặc cách mở các khoang cộng minh và cần một người thầy để nghe và góp ý cho bạn. Bởi vì âm thanh khi còn trong cơ thể (âm thanh bạn tự nghe) sẽ khác với âm thanh thực tế.


#3 Giai đoạn III của Lộ trình học thanh nhạc: TƯ DUY

Kỹ năng nghe tốt là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phát triển giọng hát cũng như tư duy xử lý bài hát. Trong khi nghe là hành động tiếp nhận âm thanh một cách thụ động thì lắng nghe là một quá trình chủ động tiếp nhận và sàng lọc âm thanh. Lắng nghe bao gồm tiếp nhận âm thanh bên ngoài và cả âm thanh bên trong cơ thể (giọng nói, giọng hát của ta). Để trở thành một người hát tốt, phát triển ở nhiều hướng khác nhau, nhận thức rõ giọng hát của mình và linh hoạt ở từng dòng nhạc khác nhau thì cần một kỹ năng nghe tốt.


Vậy bạn nên lắng nghe như thế nào?

Khi bạn bắt đầu học một kỹ năng mới, điều đầu tiên bạn làm là bắt chước. Chúng ta học hỏi từ việc xem, lắng nghe và sao chép hành động của người khác. Vì vậy hãy tìm cho mình những hình mẫu từ các ca sĩ nổi danh trên thế giới hoặc những ca sĩ đại diện cho các thể loại, mỗi thể loại âm nhạc sẽ có cách phát âm, nhã chữ khác nhau, và mỗi ca sĩ cũng đều có tư duy xử lý bài hát riêng. Lắng nghe nhiều cách xử lý bài hát, cách đặt cảm xúc ở từng câu chữ để hiểu sâu hơn vì sao bài hát đó lại hay, và vì sao người ca sĩ đó lại được nhiều người yêu thích. Qua đó áp dụng vào những câu hát của mình, dần dần bạn sẽ tìm thấy lối đi riêng, tự mình tạo ra một phiên bản của chính mình dù là bài hát mới hay là những bài kinh điển. Ngoài ra, việc lắng nghe nhiều qua nhiều giọng ca, nghe được nhiều âm thanh với hiệu quả khác nhau, nhận biết và chọn ra đâu là âm thanh mà bạn mong muốn, đó sẽ là mục tiêu cho bạn tập luyện.


Thứ hai, như đã biết chúng ta không thể nghe được âm thanh thực sự của mình vì âm thanh mình tự nghe sẽ khác với âm thanh thực tế. Sau khi đã tìm ra được mục tiêu, bạn có thể tự tập luyện bằng cách tự ghi âm và tự đánh giá giọng hát của chính mình. Nhưng việc tự đánh giá thì thường đi theo chiều hướng tiêu cực. Chúng ta có thể dễ dàng trả lời được câu hỏi “Bạn không thích điều gì về giọng hát của mình?” hơn là “Điều bạn thích ở giọng hát của mình?”. Chính vì điều này, để cải thiện được giọng hát, bạn cần một người thầy dễ dẫn dắt, sửa lỗi và đưa ra những nhận xét khách quan nhất có thể.


Và điều cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng đó là đừng chỉ tập trung nghe mỗi giọng hát. Việc lắng nghe nhạc cụ cũng giúp bạn cải thiện tư duy xử lý bài một cách rõ rệt. Mỗi thể loại âm nhạc đều sẽ có những nhạc cụ và tiết tấu đặc trưng. Nắm bắt được từng nhịp trống, những điểm nhấn- thả, những đoạn lắng đọng hay cao trào, đặt mình trong không gian của âm nhạc, bạn sẽ biết cách cùng “rong chơi” với nhịp điệu. Ngoài ra, âm thanh của những loại nhạc cụ đặc trưng của từng thể loại cũng thể hiện tính chất, âm sắc, cách luyến láy của giai điệu. Bạn thường thắc mắc làm sao các ca sĩ có thể tự nghĩ ra các đoạn “feel” cho mình, câu trả lời đó là lắng nghe các cách các nhạc cụ thể hiện giai điệu và hòa âm với nhau. Mỗi một thể loại âm nhạc sẽ có từng phong thái khác nhau, việc tập luyện kỹ năng nghe thường xuyên sẽ giúp bạn làm quen với các dòng nhạc và tìm ra sở trường của bản thân.


Sau khi đã học cách kiểm soát giọng hát của mình, kĩ năng nghe và tự lắng nghe sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn “người hát” và tới gần hơn với “người thể hiện tác phẩm”. Hiểu bản thân thích gì, muốn truyền đạt điều gì thông qua việc thể hiện cảm xúc bài hát sẽ giúp bạn tự tin và đến gần với khán giả hơn.


#4 Giai đoạn IV của Lộ trình học thanh nhạc: THUẦN THỤC

Sau khi phát triển các nền tảng vững chắc và tư duy âm nhạc sâu sắc, chúng ta đến với giai đoạn trau dồi các kỹ năng thể hiện tác phẩm. Sau đây là 3 yếu tố giúp bạn hoàn thiện kỹ năng thể hiện tác phẩm.

Sự tự tin

Tự tin giúp tâm trí tập trung hoàn thành công việc. Tự tin được tạo ra từ việc tập luyện thường xuyên và hiệu quả. Việc này giúp cơ thể ghi nhớ các thao tác phức tạp của kỹ thuật thanh nhạc để tâm trí có thể hoàn toàn tập trung vào việc truyền đạt thông điệp của tác phẩm.

Cá nhân hoá việc thể hiện tác phẩm

Mỗi tác phẩm luôn được tiếp nhận một cách khác nhau ở mỗi cá nhân khác nhau. Việc thể hiện một tác phẩm có sự kết hợp thông điệp của tác giả với góc nhìn của cá nhân sẽ tạo ra một trải nghiệm mới mẻ. Những trải nghiệm này góp phần hoàn thiện khả năng thể hiện tác phẩm của người hát.

Kỹ năng trình diễn

Để có một phong thái biểu diễn chuyên nghiệp, trước hết bạn cần học giải phóng hình thể. Giống như một người diễn viên, ngoài truyền đạt bằng giọng hát, người ca sĩ còn thể hiện cảm xúc qua ánh mắt, nét mặt, cử chỉ và thậm chí là vũ đạo. Những chuyển động có vẻ là rất tự nhiên ấy cũng đều đạt được qua quá trình luyện tập và tất cả các động tác đều có mục đích. Bạn có thể tham gia các khoá học giải phóng hình thể, diễn xuất cơ bản hoặc các khoá học vũ đạo hoặc xem video ca sĩ trình diễn, học hỏi, suy nghĩ và luyện tập trước gương để có thể trình diễn một cách thoải mái nhất.


#5 Chương trình học Thanh nhạc tại Lydia Music Academy như thế nào?

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu 4 giai đoạn của Lộ trình học thanh nhạc. Bắt đầu bằng việc làm quen với cơ thể, kiểm soát các hoạt động tạo ra âm thanh và cộng minh, học cách tư duy để thể hiện cảm xúc và truyền tải chúng đến với người nghe. Áp dụng các kiến thức trên, Lydia Music Academy đã tổng hợp lộ trình học thanh nhạc trong khoá học 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng như biểu đồ dưới đây:


Mỗi giai đoạn đều cần sự tập luyện kiên trì, lắng nghe bản thân, hiểu rõ các “chuyển động” trong cơ thể và tìm được một người thầy để đồng hành cùng bạn là những điều kiện giúp bạn chinh phục con đường ca hát. Lydia Music Academy hiện đang chiêu sinh các khoá thanh nhạc cơ bản cho người mới và các khoá học thanh nhạc luyện thi nâng cao. Để lại thông tin bên dưới để được tư vấn kỹ hơn!

Tài liệu tham khảo

Become A Confident Singer By Working On Your Listening Skills. (2017, January 9). COMPLETE VOCAL COACH. Retrieved March 8, 2022, from https://completevocalcoach.com/become-a-confident-singer/

Day, V. (2020, July 31). Why Learning How To Listen Will Make You A Better Singer — VALERIE DAY SINGS. VALERIE DAY SINGS. Retrieved March 8, 2022, from https://www.valeriedaysings.com/blog/why-learning-how-to-listen-will-make-you-a-better-singer

How To Sing Better by Listening Better. (n.d.). Performance High. Retrieved March 8, 2022, from https://performancehigh.net/how-to-sing-better-by-listening-better/

Tomatis, A. (n.d.). The Listening Centre Homepage. The Listening Centre Homepage. Retrieved March 8, 2022, from https://www.listeningcentre.com/articles/listening-and-singing

Bác sĩ Tai Mũi Họng Hà Nội. (n.d.). Sinh Lý Thanh Quản. https://bstaimuihong.vn/sinh-ly-thanh-quan/?fbclid=IwAR0pIUh9drrESraKMqg_n7Hut6jPRGAI6fjZ9e0cjKMlj7NlJIXWIN0fjIY

Phổi và đường hô hấp. (2015, April 28). Y Học Cộng Đồng. Retrieved March 1, 2022, from https://yhoccongdong.com/thongtin/phoi-va-duong-ho-hap/

Vennard, W. (1967). Singing: The Mechanism and the Technic. C. Fischer.


1.253 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page